1. Lạc đường
Đặt chân đến một nơi xa lạ, bị choáng ngợp bởi cảnh sắc, con người mới mẻ, nên du khách dễ rơi vào tình huống bị lạc đường.
Ngày nay, mọi thứ đã trở nên tiện lợi hơn rất nhiều với Google Maps. Nhưng phòng khi bạn không thể sử dụng di động hoặc kết nối internet, hãy chắc chắn bạn luôn có trong tay namecard hoặc địa chỉ của khách sạn nơi lưu trú.
Ngoài ra, bạn cũng nên giữ bên mình thông tin của người liên lạc trong trường hợp khẩn cấp hoặc trưởng đoàn, hướng dẫn viên…
Nếu không đủ tiền trả hoặc không tìm thấy phương tiện di chuyển, bạn hãy tìm đến đồn cảnh sát gần nhất hoặc những địa điểm an toàn để nhờ giúp đỡ.
2. Trễ chuyến bay
Khi bỗng dưng không bắt kịp chuyến bay hay tệ hơn là bị lạc đoàn, điều đầu tiên là bạn cần bình tĩnh, tránh hoang mang, rối trí. Hầu hết các hãng hàng không hiện nay đều giải quyết ổn thỏa trường hợp này bằng cách sắp xếp cho bạn trong chuyến bay kế tiếp.
Bạn hãy đến quầy làm thủ tục và kiên nhẫn làm theo hướng dẫn của nhân viên, tuyệt đối không nên rời đi lung tung khiến tình huống tệ hơn.
3. Thất lạc hành lý
Nếu không tìm thấy hành lý ký gửi tại điểm đến thì khả năng cao là hành lý của bạn bị trễ do chuyển nhầm trên chuyến bay khác. Lúc này, bạn cần gặp ngay nhân viên hãng bay để được cấp cho giấy tờ về việc thất lạc hành lý.
Với hệ thống an ninh và kiểm tra tinh vi, các hãng có thể tìm ra hành lý của bạn và hoàn trả trong vài giờ đồng hồ. Để tránh mất thời gian mô tả, trước khi khởi hành, hãy chụp lại hành lý của bạn và cung cấp cho nhân viên khi cần.
Trường hợp kém may mắn nhất khi hành lý của bạn bị mất cắp hay hư hỏng, bạn phải điền vào đơn kê khai các món đồ có trong hành lý để yêu cầu hãng bay bồi thường thiệt hại. Bạn cần kiên nhẫn vì thời gian giải quyết có thể lên tới hơn một tháng. Và cũng nên lưu ý hãng bay chỉ bồi thường dựa trên giá trị khấu hao của tài sản.
4. Mất giấy tờ
Mất hộ chiếu là cơn ác mộng thật sự với du khách vì nó ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động lưu trú, thủ tục xuất nhập cảnh…Nếu để quên hộ chiếu trong phạm vi sân bay, bạn nên liên lạc nhân viên an ninh, tiếp tân…gần đó nhất để được giúp đỡ. Nếu thất lạc hộ chiếu ở nơi khác, bạn phải báo ngay với cảnh sát sở tại.
Đồng thời, bạn nên liên hệ với sứ quán Việt Nam để được hướng dẫn cấp lại một số giấy tờ cần thiết cho việc làm thủ tục xuất nhập cảnh. Một kinh nghiệm hữu ích là trước khi đi du lịch, bạn nên photocopy nhiều bản sao giấy khai sinh và hộ chiếu (có thị thực) và cất ở những nơi khác nhau, phòng khi bản chính bị mất.
Nếu không may mất những thứ có giá trị như tiền, thẻ tín dụng, bạn phải làm một bản xác nhận mất tài sản ở nơi xảy ra sự cố và trình báo ngay cho cảnh sát địa phương để giải quyết. Nếu mất thẻ tín dụng, bạn phải báo ngay với ngân hàng để khóa thẻ, đảm bảo tài khoản an toàn cho đến khi sự cố được giải quyết.
5. Phải chờ đợi, xếp hàng lâu
Nơi dễ gặp: điểm làm thủ tục check-in, soi chiếu an ninh sân bay, nhận phòng khách sạn. Việc chờ đợi để đến lượt, người phía trước làm thủ tục lâu do thiếu giấy tờ, tác phong chậm chạp có thể khiến bạn dễ bực bội.
Hãy cố gắng giữ bình tĩnh cùng thái độ cảm thông. Mọi người có thể hạn chế gặp phải sự việc này bằng cách đến sân bay sớm hoặc đặt ghế hạng cao hơn để được tận hưởng các quyền lợi đặc biệt.
6. Bị chiếm chỗ
Nơi dễ gặp: bên hồ bơi, trong nhà ăn. Nhiều trường hợp ghế/bàn không có người dùng nhưng vẫn để đồ để giữ chỗ.
Trong trường hợp này bạn nên thông báo với nhân viên khách sạn. Họ sẽ xử lý vấn đề. Đối đầu trực diện với những người vô ý không phải là ý kiến hay.
7. Bị làm phiền bởi sự ồn ào
Nơi thường gặp: nhà hàng, khách sạn. Trong khi bạn đang ngồi dùng bữa và trò chuyện thân mật cùng bạn bè thì những người ở bên cạnh lại nói chuyện quá ồn ào, hoặc trẻ con chạy nhảy, đùa nghịch.
Trong trường hợp này, chuyên gia gợi ý nên gọi ai đó để được giúp đỡ. Có thể là nhân viên khách sạn, nhà hàng. Nếu đã nhắc mà những đứa trẻ vẫn tiếp tục chạy nhảy, đùa nghịch, tốt nhất bạn nên chấp nhận và cảm thông, hoặc có thể chuyển ra một vị trí xa hơn.
8. Không gian riêng tư bị xâm phạm
Nơi dễ gặp: quầy bar, trên máy bay. Khi bạn thích ngồi nhâm nhi đồ uống tại quầy bar hay muốn nhắm mắt nghỉ ngơi trên máy bay thì một người xuất hiện, làm quen và nói liên tục.
Cách giải quyết là nói thẳng, nhưng lịch sự. Không có gì sai khi cho người khác biết rằng bạn muốn yên tĩnh, hoặc ngồi một mình. Các chuyên gia gợi ý nên dùng những từ ngữ lịch thiệp để bày tỏ ý kiến.
9. Tai nạn
Khi xảy ra sự cố tại nước ngoài, hãy liên hệ ngay với lãnh sự quán Việt Nam để nhờ can thiệp và giúp đỡ. Dù bạn là nạn nhân hay vô tình gây ra tai nạn cho người khác đều cần giữ bình tĩnh, trình bày chính xác nội dung sự việc. Nếu có thể, hãy nhờ người phiên dịch để tránh những rắc rối do bất đồng ngôn ngữ gây ra.
Theo VTV News
Link nội dung: https://song247.vn/cach-xu-ly-neu-gap-dieu-khong-nhu-y-khi-di-du-lich-a34880.html