Hiệu ứng trà sữa: Cạm bẫy khiến không ít người trẻ "làm nhiều mà tiền không thấy đâu, vẫn một ly/ngày để chữa lành"

Dưới sự cám dỗ, nhiều người thường vô thức rơi vào "hiệu ứng trà sữa" khủng khiếp.

Bài viết dưới đây được chia sẻ trên Sohu kết hợp câu chuyện từ người dùng nền tảng Zhihu, đưa ra góc nhìn về “Hiệu ứng trà sữa” gây tác động đến việc tiêu dùng và kiểm soát tài chính của một phần người trẻ hiện nay.

Thức uống trà sữa phổ biến hiện nay đang nhanh chóng phổ biến tại các thành phố lớn và trở thành một phần trong cuộc sống của giới trẻ.

Tuy nhiên, điều ít ai biết là đằng sau hành vi tiêu dùng, giải trí tưởng chừng bình thường này lại có một “hiệu ứng trà sữa” khủng khiếp. Loại hiệu ứng này làm rỗng ví, lãng phí nguồn tài nguyên quý giá, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.

1. Một cốc trà sữa bằng một ký thịt heo

Đầu tiên phải kể đến mức giá khá cao của trà sữa thường khiến nhiều người bất ngờ.

Theo tìm hiểu, mức giá trung bình phổ biến của một ly trà sữa từ 40.000 - 56.000 đồng ở nhiều hãng đồ uống bình thường; từ 55.000 - 80.000 đồng ở các thương hiệu đắt hơn (tuỳ thuộc vào size và topping).

190839-1692440340.png
 

Nhiều người vô tình coi loại tiêu dùng này là một khoản chi tiêu nhỏ, nhưng họ không nhận ra rằng nó thực sự là một thứ xa xỉ đắt tiền.

Xét về góc độ kinh tế, giá một ly trà sữa "full topping" có thể tương đương với giá mua một ký thịt heo.

Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo về kế hoạch tài chính cá nhân, việc uống trà sữa thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng thấu chi nguồn tài chính, làm mất cân đối giữa nhu cầu tiêu dùng và kế hoạch tiết kiệm của mỗi người.

Cũng giống như trường hợp của Tiểu Trương, một nhân viên văn phòng trẻ. Hàng ngày sau khi tan sở, cô đều đi ngang qua một tiệm đồ uống và không thể không bước vào mua một cốc trà sữa. Đối với cô, vừa uống trà sữa vừa xem phim hay làm chuyện khác là một kiểu giúp cô "được chữa lành".

Chi phí của mỗi cốc trà sữa là khoảng 15 NDT (hơn 49 nghìn đồng) và tổng số tiền cô chi ra cho thói quen uống trà sữa mỗi tháng là 450 NDT (gần 1,5 triệu đồng). Tính ra, chi phí dành cho trà sữa hàng năm của cô là gần 5.500 NDT (gần 18 triệu đồng).

Nếu số tiền này được dùng để tiết kiệm, hoặc tiêu vào các nhu cầu thiết thực khác thì đó là “một sự giàu có” không thể xem thường đối với các bạn trẻ.

2. Tiêu dùng vô hình chính là lãng phí

Lý do quan trọng nhất khiến “Hiệu ứng trà sữa” không được chú ý là mỗi khoản tiền bỏ ra đều nhỏ nên hầu như không ai ý thức được hệ lụy đằng sau. Như triệu phú tự thân người Mỹ, David Bach đã nói: “Vấn đề với tiền bạc không phải là thu nhập quá ít, mà là chi tiêu quá nhiều”.

Những món ăn vặt quen thuộc trong cuộc sống, tiền taxi khi đi du lịch, những món đồ lặt vặt xinh xắn nhưng không thực tế, đủ loại tự động gia hạn thành viên không được sử dụng phổ biến... Chúng không phải là nhu yếu phẩm của cuộc sống, mức tiêu dùng đơn lẻ không cao nhưng lại được nhân lên và tích lũy theo thời gian, đủ khiến bạn “nghèo nàn” về tài chính mà không hề hay biết.

“Hiệu ứng trà sữa” chỉ là một trong nhiều cái bẫy tiêu dùng mà giới trẻ hiện nay đang sa vào.

190840-1692440340.png
 

Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo là hai nhà khoa học vinh dự nhận giải thưởng Nobel Kinh tế 2019 về chương trình xóa đói giảm nghèo. Qua nghiên cứu và so sánh, họ thấy rằng sở dĩ người dân nghèo là do họ đã rơi vào hết “bẫy tiêu dùng” này đến “bẫy tiêu dùng” khác.

Nhiều người nghĩ rằng chi tiêu là tự thưởng cho mình. Nhưng trên thực tế, thói quen chi tiêu không hợp lý không chỉ mang đến những hóa đơn dở dang mà còn khiến bạn rơi vào tình trạng lo lắng, hoang mang.

Một người dùng chia sẻ trên Douban như sau: Cô sống một mình và làm việc ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Mỗi khi trở về nhà sau ngày làm việc mệt mỏi thì thường đã gần 8h tối. Đây là khoảng thời gian cô thư thái nhất trong ngày, cũng là lúc cô muốn bản thân được “chữa lành” nhất.

Thế là cô nằm trên sô pha, bên cạnh là ly trà sữa có giá trung bình 50 nghìn đồng, tay không ngừng lướt các nền tảng mua sắm và tìm kiếm thông tin chương trình giảm giá. Cô cho rằng đây là thói quen để mình thoát khỏi những áp lực trong cuộc sống. Song đến mỗi cuối tháng, cô đều đối mặt với tình trạng “số dư không còn bao nhiêu, thậm chí bị âm qua thẻ tín dụng”.

Sau đó, cô bị chuyển công việc và bị cắt giảm lương. Trước tình thế này, cô phải xem lại thói quen tiêu dùng trước đây của mình và thực hiện một số thay đổi.

Không gọi đồ ăn ở ngoài mà tự nấu ăn, kiểm tra và suy xét món đồ muốn mua có thực sự hữu dụng hay không. Quan trọng nhất, cô cắt bớt thói quen uống trà sữa mỗi ngày. Cô tự đưa ra quy định: Một tuần chỉ được uống 1-2 ly trà sữa mua ở ngoài, ngoài ra nếu quá thèm thì có thể tự pha đơn giản ở nhà.

Khi quay trở lại tiêu dùng hợp lý, cô ấy tích trữ ít đồ hơn và có nhiều tiền tiết kiệm hơn trong tay.

Trên thực tế, việc “mua, mua và mua” chỉ mang lại niềm vui ngắn hạn, kéo theo đó là cảm giác bức bách vì thiếu tiền và tự trách bản thân. Vì vậy, chúng ta nên thận trọng với loại “chi phí nhỏ” này, tránh tiêu xài hoang phí vì thói quen “mỗi ngày một ly trà sữa”.

3. Bớt đi một cốc trà sữa, thêm nhiều phần yêu thương cho Trái đất

Sự phổ biến của thức uống trà sữa cũng gây áp lực rất lớn đối với tài nguyên môi trường. Một mặt, chuỗi cung ứng lạnh của các cửa hàng trà sữa đòi hỏi nhiều năng lượng để duy trì độ tươi của thức uống, đồng thời tiêu thụ nhiều sản phẩm nhựa như hộp đóng gói và ống hút. Mặt khác, rác thải phát sinh trong quá trình pha chế trà sữa cũng kéo theo những vấn đề về môi trường không thể bỏ qua.

Những tiêu thụ và lãng phí vô hình này làm trầm trọng thêm tình trạng cạn kiệt tài nguyên của Trái đất và là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững.

190841-1692440340.png
 

Theo thống kê, riêng tại thị trường Trung Quốc, hàng nghìn tấn sản phẩm nhựa được tiêu thụ mỗi ngày, một phần lớn trong số đó đến từ các cửa hàng trà sữa.

Các sản phẩm nhựa này rất khó phân hủy và tồn đọng trong môi trường, gây ra vấn nạn “ô nhiễm trắng” nghiêm trọng.

Hơn nữa, uống nhiều trà sữa sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp. Các chất hóa học như phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản có trong trà sữa cũng tiềm ẩn những mối nguy hại đối với cơ thể con người.

Để thỏa mãn sở thích uống trà sữa, không ít người đã uống đều đặn một hoặc thậm chí nhiều cốc trà sữa mỗi ngày dẫn đến tăng cân liên tục và huyết áp tăng cao. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào trà sữa khiến nhiều người khó từ bỏ thói quen này và mãi cho đến khi vấn đề sức khỏe ngày càng nghiêm trọng, họ mới bừng tỉnh.

Tóm lại là:

Dưới sự cám dỗ, nhiều người thường vô thức rơi vào "hiệu ứng trà sữa" khủng khiếp. Chúng ta phải nhìn nhận rằng giá trà sữa cao là lãng phí tiền bạc, lãng phí môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vì vậy, chúng ta nên lên kế hoạch hợp lý với việc tiêu thụ trà sữa, thiết lập một quan niệm tiêu dùng đúng đắn và tuân theo các nguyên tắc phát triển bền vững và sống lành mạnh.

Theo Phụ nữ số

Link nội dung: https://song247.vn/hieu-ung-tra-sua-cam-bay-khien-khong-it-nguoi-tre-lam-nhieu-ma-tien-khong-thay-dau-van-mot-lyngay-de-chua-lanh-a34793.html