Đã bao giờ bạn tự hỏi bạn cần bao nhiêu thời gian rảnh rỗi để buông bỏ sự buồn chán nếu muốn sống hạnh phúc? Buông xả có nghĩa là không làm gì, không suy nghĩ, chìm đắm trong trạng thái vô cùng chán chường. Tuy nhiên, nhịp sống của chúng ta lại dường như không cho phép chúng ta chậm chạp và chán nản, nó nhanh, cật lực vì những thói quen "làm công ăn lương" rồi "tận hưởng thành quả". Rồi "replay" đúng giờ vào ngày mai.
Mỗi sáng khi bước ra khỏi nhà, ở một trong những thành thị phát triển nhất, điều tôi nhìn thấy nhiều nhất, lại là những gương mặt xã hội mệt mỏi, rồi tôi tự hỏi bản thân, liệu đã bao lâu rồi họ chưa được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Đã bao lâu rồi họ chưa thực sự nghĩ về khái niệm hạnh phúc, và đong đếm xem mình cần bao nhiêu lâu, hay cần bao nhiêu thời gian để được hạnh phúc...
Có buồn cười không khi một người trong phút giây hơi-rảnh-rỗi của chính mình như tôi lại mở Internet và tìm kiếm số liệu đo lường mức độ hạnh phúc. Nhưng ngạc nhiên thay, tôi tìm kiếm được nhiều hơn mình nghĩ. Đó là những con số cụ thể với dữ liệu, thời gian chân thực hơn bao giờ hết. Nhưng hơn hết, đa số kết quả đều chỉ ra rằng, khi thời gian rảnh rỗi tăng lên thì mức độ hạnh phúc của con người cũng tăng theo. Một nghiên cứu cũng cho biết thêm, chúng ta cần trung bình từ 2 đến 5 giờ rảnh rỗi mỗi ngày để hạnh phúc. Một con số có vẻ gần bằng một giấc ngủ và xa xỉ tột độ.
Tuy nhiên, có nhiều thời gian rảnh hơn không có nghĩa là chúng ta sẽ sống một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn. Có những lúc tôi vô cùng rảnh, nhưng tôi cũng chẳng vui vẻ đến vậy. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy đường cong hạnh phúc của chúng ta lại giảm xuống sau 5 giờ rảnh rỗi. Có quá nhiều thời gian rảnh cũng có thể khiến mọi người không vui, và lý tưởng nhất, hãy dành cho bản thân hai giờ, tức 120 phút mỗi ngày để bạn có thể có được cảm giác thỏa mãn mong muốn của mình.
Tôi nghĩ đây là một con số thực tế. 120 phút có thể giúp bạn xem hết một bộ phim, đọc những trang sách còn dở dang, hay lên kế hoạch cho một cuộc hẹn hò sau nhiều lần viện cớ bận rộn. Nó chẳng quá dài, nhưng lại đủ cân bằng để chúng ta nạp lại năng lượng và giảm bớt những xáo trộn bên ngoài.
Và khi có thời gian rảnh, bạn không nhất thiết phải “làm gì đó”. Nhà tâm lý học Doreen Dodgen-Magee đã chỉ ra rằng, hóa ra, một người chọn cách buông bỏ khi buồn chán sẽ không có những cảm xúc tiêu cực do những tác nhân kích thích bên ngoài, chẳng hạn như cảm thấy lạc lõng khó hiểu vì đã “lỡ” làm điều gì đó.
Khi con người trải qua cảm giác buồn chán, họ sẽ được kích thích sự sáng tạo mà họ không thể tìm thấy trong điều kiện bình thường, đó là khi họ muốn vượt qua sự buồn tẻ và tìm thấy sự phấn khích. Buồn chán cũng có ích đấy chứ! Nên nhiều khi một người đang buồn chán, được giải phóng đầu óc sẽ chợt nảy ra nhiều ý tưởng cảm hứng hơn, ngược lại, nếu bạn lên lịch làm việc, lịch trình dày đặc rồi đột nhiên yêu cầu bạn nghĩ ra ý tưởng mới, bạn sẽ thấy rất khó chịu. Điều này cũng phản ánh nguyên tắc “không chủ động tìm kiếm ý tưởng, hãy để ý tưởng tìm thấy bạn”.
Việc bạn có cảm thấy hạnh phúc trong thời gian rảnh rỗi hay không cũng phụ thuộc vào những gì bạn làm trong lúc đó. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có vài nhu cầu chính để sử dụng thời gian này để kích thích hạnh phúc: quyền tự chủ, những khoảnh khắc mà một người hoàn toàn kiểm soát; tham gia, hoặc giao lưu và chia sẻ những khoảnh khắc với người khác để nuôi dưỡng cảm giác hạnh phúc.
Một cô gái biết tận hưởng cuộc sống, mỗi khi rảnh rỗi, cô ấy sẽ thong thả nằm dài trên bãi biển, hay cùng bạn bè ra công viên sưởi nắng đọc sách, trải nghiệm sự trong lành của thiên nhiên. Cô ấy sống cho hiện tại, trân trọng từng phút giây và cũng trân trọng cả sự buồn chán, cuộc sống tao nhã và hạnh phúc không chỉ là khi bạn có tất cả nhưng vẫn biết nghỉ ngơi đúng lúc.
Hạnh phúc, là một cảm xúc hư vô trong thế giới vật chất, là một kết quả có thật trong thế giới tinh thần. Dù khó định lượng, nhưng đó là món quà vô cùng quý giá đối với tâm hồn.
Con số 120 phút/ngày sẽ là một lời khuyên thiện chí của người viết sau khi đúc kết và tìm kiếm thông tin, nhưng nó kéo dài bao lâu, và cần hiện diện trong bao lâu, còn tùy thuộc vào độc giả.
Hạnh phúc sẽ được nâng cấp nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội để biến từ một người thụ động chờ đợi hy vọng thành một người tích cực nắm lấy lý tưởng trong khoảnh khắc.
Theo L'officiel
Link nội dung: https://song247.vn/can-bao-nhieu-thoi-gian-moi-ngay-de-hanh-phuc-a34777.html