Ở "Những con chữ ngoài trang sách", giới hạn mốc thời gian một quãng lịch sử ra đời, phát triển của nghề xuất bản sách ở Việt Nam, kể từ khi kỹ thuật in chữ rời bằng máy của phương Tây du nhập sang nước ta thập niên 1860 của thế kỷ XIX, cho đến tháng 8 năm 1945.
Sách được chia làm 3 phần với 48 bài viết theo dạng chủ đề, những mảnh nhỏ của hoạt động in ấn, xuất bản và phát hành sách cùng văn hóa đọc của Việt Nam được lần mở dần dần qua từng trang sách. Mỗi một bài viết giúp độc giả thời nay tiếp cận, biết và hiểu về những vấn đề dường như thuộc về hậu trường của nghề xuất bản.
Phần 1 “Phía sau trang sách” tập trung nội dung về xuất bản ở Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX khi máy móc in ấn của phương Tây được người Pháp đưa sang Việt Nam. Việc ra đời các nhà in nhà nước từ thập niên 1860 đã tạo nền cho xuất bản hiện đại. Sang đầu thế kỷ XX, xuất bản dần chuyển sang tay các nhà xuất bản công và tư, trong đó hai trung tâm xuất bản lớn ở Sài Gòn và Hà Nội. Những đơn vị xuất bản lớn được đề cập đến có NXB Tân Dân, NXB Mai Lĩnh ở Hà Nội, Tín Đức thư xã ở Sài Gòn. Trung Kỳ cũng góp tiếng nói với Nhà in Tiếng Dân, Nhà in Đắc Lập, Nhà in Qui Nhơn…
Hoạt động phát hành sách qua hệ thống nhà sách, mối quan hệ tác giả - nhà xuất bản, dịch thuật các danh tác thế giới cũng được đề cập tới. Những con người, công việc góp phần làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm cũng được giới thiệu từ việc “điểm phấn tô son” làm bìa, vẽ tranh nội dung, viết lời tựa cho đến sửa chữ sai, lời đề tặng sách của tác giả… Ví dụ như việc vẽ bìa trong bài “Điểm phấn tô son”, có đoạn viết về bìa sách Khi chiếc yếm rơi xuống của Trương Tửu: “Có những bìa sách, được thực hiện một cách táo bạo, vượt thoát lên cả quy chuẩn xã hội thời đó. Lấy bìa sách tiểu thuyết Khi chiếc yếm rơi xuống của Trương Tửu làm ví dụ. Tác phẩm này được Nguyệt Hồ, có tên thật là Vũ Tiến Đa vẽ minh họa, do Nhà xuất bản Minh Phương tại Hà Nội ấn hành năm 1940. Bìa sách đẹp, gợi cảm nhưng không dung tục với hình ảnh một thiếu nữ Việt đội khăn mỏ quạ, khuôn mặt đẹp cân đối mặc yếm nhưng là yếm buông lơi khi một dây dải yếm bị rơi, để lộ bầu ngực căng tròn đầy sức sống mà không hề gượng ép, thẹn thùng”.
Hoạt động trong thời gian bị thực dân Pháp, phát xít Nhật đô hộ, lĩnh vực xuất bản cũng bị chiếc “vòng kim cô” là kiểm duyệt bao vây, khiến nhiều tác giả, tác phẩm lao đao. Bài viết “Sách gặp bà kiểm duyệt” thông tin “Xuất bản, phát hành sách trước năm 1945, các sách yên ổn để phát hành khi nội dung không đụng chạm tới chính quyền thực dân, Nam triều hay phát xít Nhật. Còn một số sách đấu tranh cách mạng, hoặc bị quy chụp từ Sở Kiểm duyệt của thực dân sẽ bị thu hồi, cấm phát hành”. Những tác giả “vào tù ra khám” của thực dân, phát xít vì yêu nước như Phan Bội Châu, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm… tác phẩm luôn bị để ý và nhiều cuốn bị cấm. Có thể kể đến Tuyên cáo quốc dân của Phan Bội Châu, Một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu, Ngồi tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm… Thậm chí, sách văn học cũng có cuốn bị cấm như tiểu thuyết Anh chỉ yêu em của Cuồng Sĩ bị cấm lưu hành, tàng trữ ở Trung Kỳ năm 1942.
Phần 2 “Vui buồn giấy mực” giới thiệu đến độc giả nhiều hoạt động liên quan đến xuất bản. Nhiều nhà văn, nhà văn, tác giả, dịch giả tham gia xuất bản nhưng “đứt gánh” vì không biết kinh doanh hoặc ít vốn. Trong số họ có những tên tuổi quen thuộc Tản Đà, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đức Chính, Phạm Cao Củng… Những con mọt chữ cũng được điểm danh như Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Vương Hồng Sển… Phần này cũng điểm qua những dòng sách thịnh hành thời đó, trào lưu làm sách Tết được khởi phát từ năm 1928 với sự tiên phong của Tân Dân thư quán, và cuộc triển lãm sách báo đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Sài Gòn năm 1942…
Phần 3 “Cảo thơm lần giở”, chúng ta có dịp nhìn lại nhiều tấm gương yêu sách, đọc sách và cả quan điểm của họ về vai trò của sách vở trong đời sống. Vua Lê Thánh Tông thì cho rằng đọc sách giúp cho kẻ sĩ hiểu nghĩa lý, biết giữ mình; vua Minh Mạng thì xem trọng sách vở, cầu sách trong nhân gian không kém gì cầu hiền tài. Những tên tuổi của làng bút mực Thạch Lam, Thiếu Sơn cũng có những quan điểm hữu ích về cách đọc, sự đọc…
Với dung lượng gần 400 trang, tác phẩm "Những con chữ ngoài trang sách" là một tài liệu hữu ích giúp chúng ta hồi cố về lĩnh vực xuất bản với những hoạt động cơ bản in ấn, xuất bản, phát hành của ngành xuất bản trong gần 100 năm. Với cách trình bày theo dạng bài viết nhỏ, chia thành những vỉa chủ đề liên quan, độc giả sẽ gặp lại nhiều tác giả, tác phẩm mình từng được đọc, cũng như biết thêm nhiều câu chuyện liên quan đến họ. Trước khi có tên Chí Phèo, tác phẩm này đã bị ai đổi tên ở lần in đầu thành Đôi lứa xứng đôi? Sách Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ của Đào Trinh Nhất năm 1924 vì sao mới xuất bản đã hết sạch? Đó chỉ là một vài chỉ dấu nhỏ thú vị mà chúng ta có thể bắt gặp trong "Những con chữ ngoài trang sách".
Link nội dung: https://song247.vn/nhung-con-chu-ngoai-trang-sach-tac-pham-bat-mi-nghe-thuat-ve-bia-sach-sexy-truoc-1945-a34015.html