Cuốn sách này đề cập đến cuộc chiến chống tin giả/fake news trên khắp thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra, từ những tư liệu cập nhật và những tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Canada vào năm 2018.
Cuốn sách đã thử lý giải nhiều câu hỏi liên quan đến fake news như: Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật? Vì sao cái giả dễ được tin là thật? Vì sao cái giả lại gây hậu quả và tác hại thật? Sách gồm các chương:
- FAKE NEWS, SỰ LÂY LAN VÀ MỤC ĐÍCH ĐƯỢC TẠO RA: nhận diện fake news và trả lời các câu hỏi: Fake news là gì? Một hiện tượng “rượu mới bình cũ” hay là một thực tế hoàn toàn mới được sinh ra cùng với các mạng xã hội? Fake news lây lan như thế nào, được dẫn dắt bởi những động cơ nào và được tạo ra nhằm mục đích gì?…
- TIN GIẢ, THÁCH THỨC VÀ KHỦNG HOẢNG BÁO CHÍ: nhận diện những thách thức và những nguy cơ mới mà tin giả đặt ra: Xóa nhòa ranh giới giữa chung và riêng? Sự thật trở thành thứ yếu? Trong bối cảnh của những nguy cơ mới này, truyền thông truyền thống (báo chí) lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Biểu hiện của cuộc khủng hoảng này là gì? Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với thông tin ra sao?...
- BÁO CHÍ TỰ CỨU MÌNH VÀ CHỐNG TIN GIẢ: mô tả cuộc chiến “kép” của truyền thông truyền thống. Một là, thoát khỏi khủng hoảng tài chính bằng cách nào? Hai là, chống tin giả ra sao?
- PHÁP LUẬT, CÁCH TIẾP CẬN VÀ CHỌN LỰA KHÁC: đề cập đến luật pháp như “cây gậy” để răn đe những ai tạo ra tin giả.
- XÓA MÙ, KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG SỐ CHO CÔNG DÂN: chương này tiến hành khảo sát giải pháp dựa trên các công dân để đấu tranh chống tin giả: “Xóa mù truyền thông” (hay xóa mù tin tức)…
Những tác phẩm đã xuất bản của tác giả - nhà báo Đỗ Đình Tấn : Một nền báo chí phẳng (2014), Báo chí lương tâm (2016), Báo chí và mạng xã hội (2017), Truyền thông và Kinh doanh (2019)…Những tác phẩm dịch: Nước Nhật mua cả thế giới, Chiến tranh vùng Vịnh, Bí kíp dạy con từ 0 - 16 tuổi (ba cuốn), Scarlett (Hậu Cuốn theo chiều gió)...