Thật sự nếu những ai chưa làm cha mẹ cùng con ở tuổi dậy thì nên có cái nhìn thông cảm hơn là trách các bậc cha mẹ khi chúng gây ra một hành vi tiêu cực nào đó. Vì có những vấn đề hoàn toàn không theo lý thuyết nào cả.
Chăm sóc và dạy dỗ con cái là trách nhiệm của cha mẹ, nền hầu hết ai cũng muốn làm tròn trách nhiệm của mình. Nhưng trong quá trình này, nhiều vấn đề nảy sinh do rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nhất là con trong gia đoạn tuổi ô mai thì là một bài toán nan giải. Ai cũng hiểu rằng dạy con khó quá nhưng khi đứa trẻ có những hành vi tiêu cực là quay ra công kích các cha mẹ với câu cửa miệng: "Tại cha mẹ con mới vậy". Từ áp lực công việc, gia đình, nay lại tới con cái, khi nghe cấu trách ấy, các bậc cha mẹ hầu như không vui gì mà còn áp lực thêm khi chính họ đã làm hết khả năng và trách nhiệm của mình. Thế thì vì đâu nông ra nông nỗi?
Con tuổi dậy thì, tâm trạng sáng nắng chiều mưa do tâm lý tuổi đang lớn. Góp ý trao đổi với con bằng giọng nhẹ nhàng và đầy sự quan tâm thì hầu con lại trả lời rất miễn cưỡng, nếu bị góp ý thì nó còn tỏ thái độ khó chịu. Chẳng hạn như nhắc "con học bài tập trung đừng để điện thoại kế bên, lâu lâu nhìn vào", "con đang sạc điện thoại thì không mở ra xem sẽ nguy hiểm", "con ra ngoài thì mặc chỉn chu một chút"... là điều hoàn toàn hợp lý nhưng đâu cũng vào đó. Như thế thì cha mẹ nào có thể yên tâm khi vắng mặt. Có thể nói, đây là tình hình chung của cha mẹ có con ở lứa tuổi ô mai.
Khi làm cha mẹ, chúng ta hay hoài niệm về tuổi ô mai của mình và so sánh cùng con. Dẫu biết đó là một nghịch lý nhưng vẫn so sánh. Đúng là một trời một vực khi mà tuổi ô mai của cha mẹ thì chỉ đọc sách, chơi đùa các trò chơi dân gian hay nghịch phá thế nên tâm hồn vẫn trong sáng ngây thơ đến độ chưa biết yêu là gì? Nhưng tuổi ô mai của con chỉ một thứ duy nhất nó gắn bó là chiếc điện thoại, Ipad hay máy tính cá nhân và cứ thế cắm mặt vào đó không muốn giao tiếp hay trò chuyện cùng cha mẹ, hay tình cảm rung động của tuổi học trò lại đến với con quá sớm khiến cha mẹ loay hoay, lúng túng. Vì làm căng thì không được mà buông thì không xong, tất cả đều có hệ lụy của nó. Lại phải giáo dục con về giới tính, vấn đề này nhạy cảm không phải cha mẹ nào cũng đủ “dũng cảm”. Nhưng tất cả vì con nên chấp nhận “vạch trần” ranh giới của con trai và con khái khi kết bạn hay theo học một khóa học về giáo dục giới tính cho con để biến chuyện “động trời” thành chuyện tế nhị. Trong giới nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo sáng tạo mọi thứ về cuộc sống, cũng không ai ngăn được con mình xem qua những thứ mình không thích, nhưng nói rằng xem một cái MV mà ảnh hưởng cái gì đến tính cách thì chưa hẳn. Mới đây, một MV mới ra của một ca sĩ rất hot và có nhiều fan hậm mộ có nội dung giải quyết vấn đề cá nhân một cách bất ngờ là...nhảy lầu để kết thúc những trói buộc cuộc sống. Có thể không có đứa nhỏ nào coi MV xong rồi hành động như ca sĩ này cả nhưng câu chuyện nó mang theo là gì, có ám ảnh không, có xem đó là "giải pháp cuối cùng" không, cũng không ai biết chắc được. Vì vậy, phản ứng của xã hội trước một MV chạm đến chủ đề giới trẻ là phản ứng tự nhiên không ai ngăn được, trong nỗ lực giúp trẻ có một cảm thụ vững vàng, một tinh thần chống đỡ, cái gì liên quan đến những đứa trẻ phần nhiều còn chưa hoàn thiện nhận thức, tính cách, đều khiến các bậc cha mẹ phải quan tâm.
Quan tâm không phải phản đối tự do sáng tạo, mà họ muốn gửi gắm sự trông đợi đến những nghệ sĩ tài năng, có tầm ảnh hưởng của mình sẽ mang đến cho con họ những thông điệp tốt lành. Muốn trẻ hiểu về sự cô độc, bi thương, đâu sao nhưng cái anh sẽ thận trọng và dụng gì để trẻ mang theo trong đời một khao khát vượt qua đau thương chứ không phải là một cách thức để "nhảy lầu". Phản ứng xã hội trước một MV là phản ứng tốt cho cả người sáng tạo và người làm cha mẹ. Dạy con, làm cho con mạnh lên, biết phân biệt thật ảo. Có những ngày, chúng ta cuống quýt dạy con thêm một ý nhưng sợ mình dạy chưa đủ mức, là dạy con biết cho dù cái gì xảy ra mình đều có thể làm cho nó nhẹ nhàng hơn, bị la rồi lại hết la, thi rớt thì tự nhìn lại rồi thi lại, còn sức khỏe, tính mạng là còn tất cả…
Truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng vì đó là sự định hướng nhưng nếu làm không tới sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Tất cả thông tin đều ngồn ngộn, từ một bài hát, một bài báo, một vở kịch hay một bộ phim… đều có tác động đến cuộc sống của tuổi ô mai, đó là vì hội chứng thần tượng. Do bắt chước thần tượng của mình đứa trẻ đặt mình ngoài cha mẹ, chỉ nghe theo thần tượng mà thôi hay làm theo cách tiêu cực của một đứa trẻ khác cũng đủ để người lớn chúng ta bị cật vấn trách nhiệm rồi. Những áp lực từ xã hội lại quàng lên vai của các bậc cha mẹ khiến họ ra sức bảo vệ con mình bằng mọi giá. Có ai giúp cha mẹ giải quyết bài toán nan giải này không? Chắc chắn có. Đó là nhà trường, nhà tham vấn, các hội đoàn, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo và cả cộng đồng... nếu quan tâm tới trẻ thì hãy làm thêm một việc cụ thể hơn chính là truyền thông cho trẻ biết yêu quý sức khỏe, mạng sống, sự sống thiêng liêng của mình, gợi ý cho chúng cách đối diện khó khăn, thất bại, nghịch cảnh, những người không thích mình, những điều không như ý, chúng phải đấu tranh, nói ra, vượt qua với một niềm tin lạc quan như thế nào…
Nuôi con vốn khó, dạy con càng khó hơn nhất là tuổi ô mai ập tới một cách bất ngờ khiến cha mẹ chưa chuẩn bị tâm lý kịp. Thế nên, thay vì lo lắng hãy cứ hòa mình cùng con từng vấn đề thời sự, trò chuyện và tranh luận dù đúng sai của con cũng rút cho các bậc cha mẹ một cái nhìn về đứa trẻ nửa nhỏ và nửa lớn của mình. Từ đó, chúng sẽ trò chuyện hay tâm tình cùng cha mẹ như những người bạn. Lắng nghe con là một điều thật thú vị, vì chúng có nhiều điều muốn hỏi và muốn biết dù một điều nhỏ nhặt nhất, nếu thiếu sự lắng nghe thấu hiểu, khoảng cách với chúng sẽ xa dần và chúng sẽ rời xa vòng tay chúng ta khi nào không biết. Vì vậy, mỗi một người mẹ, người cha hãy cùng làm bạn với con cái sẽ là một điều làm thay đổi mọi thứ trong cuộc sống.
Link nội dung: https://song247.vn/day-con-o-tuoio-mai-kho-hay-de-a17863.html