"Có thể thấy rằng những con số thống kê được công bố mới chỉ phản ánh được 60-70% sự thực về giá đang diễn ra trên thị trường", nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đánh giá.
Chỉ số giá tăng thấp nhất nhiều năm
Theo Tổng cục Thống kê Giá cả mặt hàng lương thực thực phẩm khá ổn định. Ảnh: Lương Bằng
Song, còn một yếu tố khác cũng tác động đáng kể đến việc chỉ số giá tăng thấp: Đó là sức mua thấp.
Trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet, đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) thừa nhận sức mua thấp hơn thời kỳ trước khi có dịch là một trong những yếu tố giúp CPI tăng thấp. Tính chung 6 tháng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ. Cần lưu ý, mức tăng 4,9% này là căn cứ trên nền thấp của năm 2020. Do đó, đây thực sự là mức tăng thấp bởi thời điểm 2018-2019 trước khi có dịch, tổng mức doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đều tăng trên 2 con số.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cho rằng: Từ đầu năm đến nay, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, cung ứng vận chuyển logistics bị đứt gãy nên đã tác động vào các mặt hàng sử dụng các phương tiện vận chuyển, làm cho giá cả cũng tăng lên. Từ đó dẫn tới việc tăng giá lan tỏa đến sản phẩm bán lẻ cho tiêu dùng xã hội.
Riêng giá nông sản thực phẩm thì không chịu tác động nhiều về chi phí vận chuyển, mà lại chịu tác động do yếu tố bị giãn cách, khoanh vùng dập dịch. Thời kỳ này, hàng loạt mặt hàng nông sản thực phẩm, rau quả đã đến vụ thu hoạch rộ, chính vì vậy hàng hóa bị ứ đọng nên giá bình quân ở nhiều vùng tại các địa phương đã không tăng giá mà còn giảm rất mạnh, từ 50-70%.
Tại hội thảo về giá cả thị trường 6 tháng năm 2021 ngày 2/7, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cũng đánh giá một phần nguyên nhân khiến lạm phát thấp do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng thấp. Trong khi đó, cùng kỳ của năm 2020, chỉ số này đã giảm tới 5,77% so với 6 tháng đầu năm 2019, nên có thể suy ra là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn thấp hơn giá trị tuyệt đối so với mức của năm 2019, tức là đã giảm trong 2 năm qua.
Không thiếu hàng hóa trong 6 tháng. |
Kiểm soát lạm phát là khả thi
Sau khi phân tích một loạt yếu tố giá tăng - giảm, ông Vũ Vinh Phú đánh giá: Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng xã hội những tháng qua đã chịu đựng cả sự tăng giá hợp lý lẫn vô lý về giá trong điều kiện họ đang phải tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí tiêu dùng.
"Có thể thấy, những con số thống kê được công bố mới chỉ phản ánh 60-70% sự thực về giá đang diễn ra trên thị trường", ông Phú nhận định. "Đây cũng có thể không phải lỗi của cơ quan thống kê. Một số chuyên gia kinh tế dự đoán cũng có thể do sự tập hợp mặt hàng và cách tính chỉ số giá theo quy định của quốc tế còn có những hạn chế khi áp dụng vào tình hình giá cả hàng hóa thực tế ở Việt Nam. Vì thế, có những sai lệch giữa con số thống kê và thực tế phát sinh. Tình hình này đòi hỏi cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp".
“Nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, lạm phát năm 2021 đạt dưới 4% là hoàn toàn khả thi”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.
Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, về mặt con số thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn, mục tiêu khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.
“Việc kiểm soát lạm phát không chỉ thuần túy hướng đến chỉ tiêu của Quốc hội giao, mà cần phải được đặt ra trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ chống dịch và là đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12, nhằm tạo nền tảng cho việc kiểm soát lạm phát trong năm tới 2022”, đại diện Cục Quản lý giá phân tích.
Lương Bằng
Link nội dung: https://song247.vn/gia-ca-tang-soc-dan-da-can-het-tien-mua-sam-a14537.html