Ba Lan 1-2 Slovakia (23h ngày 14-6)
Bước vào trận đấu với Slovakia ở sân Gazprom Arena, Ba Lan có lực lượng gần như mạnh nhất với những ngôi sao quen thuộc như Wojciech Szczesny, Jan Bednarek, Kamil Glik, Mateusz Klich, Piotr Zielinski và đặc biệt là Robert Lewandowski. Trong khi đó, Slovakia cũng có một số cái tên nổi tiếng như Martin Dubravka, Milan Skriniar, Juraj Kucka và đội trưởng Marek Hamsik.
Đáng chú ý, đội hình của hai đội đều khá già so với mặt bằng chung. Đội hình xuất phát của Ba Lan có tuổi đời trung bình là 29,3 trong khi con số này bên phía Slovakia là 30 tròn! Có lẽ chính vì vậy mà hai đội thi đấu quyết liệt, nhưng với tốc độ không thực sự nhanh.
Được đánh giá cao hơn, Ba Lan chủ động dâng lên tấn công ngay từ đầu. Tuy nhiên, hàng tiền vệ thiếu sáng tạo khiến họ không thể tiếp cận khung thành của thủ môn Dubravka. Tiền đạo Lewandowski bị các hậu vệ Slovakia cô lập hoàn toàn và rơi vào tình trạng “đói bóng”.
Trong lúc bế tắc, Ba Lan bất ngờ thủng lưới vì sơ hở nơi hàng thủ. Phút 18, hai hậu vệ áo trắng để cho Robert Mak lừa qua dễ dàng bên cánh phải của Ba Lan. Sau đó, Robert Mak tự tin đi bóng và dứt điểm vào góc gần khiến thủ môn Szczesny phản lưới nhà. 1-0 cho Slovakia!
Thủng lưới trước, Ba Lan càng cố gắng tấn công mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, lối chơi của họ vẫn không mang lại hiệu quả. Trong suốt hiệp một, Ba Lan chỉ có thể sút xa cầu may. Phải đến phút 42, Lewandowski mới có pha xử lý đáng kể đầu tiên để sút bóng trong vòng cấm Slovakia, nhưng tiền đạo của Bayern lại sút thiếu chính xác. 1-0 cho Slovakia là tỉ số của hiệp một.
Bước sang hiệp hai, trận đấu liên tiếp đi vào những khúc cua gấp khiến người hâm mộ... chóng mặt. Ngay ở giây thứ 30 của hiệp hai, Ba Lan đã có bàn gỡ hòa nhờ công Karol Linetty sau một pha phối hợp hoàn hảo bên cánh trái. Klich là người có công đầu trong bàn thắng này với pha xoay người chuyền bóng đẹp mắt cho Maciej Rybus thoát xuống kiến tạo. 1-1 cho Ba Lan.
Có bàn gỡ sớm, Ba Lan hừng hực khí thế lao lên tấn công và tạo ra sức ép đáng kể về khung thành Slovakia. Lần lượt Linetty, Kamil Glik và Lewandowski có cơ hội dứt điểm nhưng không thành công.
Trong lúc chơi áp đảo, Ba Lan bất ngờ gặp họa khi Grzegorz Krychowiak bị đuổi khỏi sân ở phút 62. Số 10 của Ba Lan đã có pha giẫm chân đối thủ không cần thiết ngay trước mặt trọng tài và phải nhận thẻ vàng thứ hai một cách lãng nhách. Mất người, Ba Lan cũng mất luôn thế trận. Lúc này, họ bị Slovakia ép ngược.
Khả năng chịu sức ép của Ba Lan không tốt, nhất là khi họ thua thiệt về quân số. Chỉ 7 phút sau khi mất người, Đại bàng trằng thủng lưới lần thứ 2. Trong một pha phạt góc có phần lộn xộn của Slovakia, Milan Skriniar tung ra cú sút nhanh như điện khiến Szczesny không kịp phản ứng. 2-1 cho Slovakia!
Lúc này, hai đội lần lượt tung ra một loạt sự thay đổi người. Tuy nhiên, chỉ có sự thay đổi của Slovakia hiệu quả. Cho dù HLV Paulo Sousa tung một loạt cầu thủ tấn công vào hòng chơi tất tay với Slovakia, nhưng quân số ít hơn khiến Ba Lan không thể tạo ra sức ép. Họ phải dựa nhiều vào tình huống cố định. Phút 90+1, Bednarek suýt nữa mang về bàn gỡ hòa cho Ba Lan sau 2 pha dứt điểm liên tiếp, nhưng anh lại đưa bóng đi chệch khung thành Slovakia trong gang tấc.
Kết quả, Ba Lan bất lực chịu thua Slovakia 1-2 và đứng trước nguy cơ bị loại sớm. Ở bảng E, hai đội bóng còn lại là Tây Ban Nha và Thụy Điển đều được đánh giá rất cao.
Tây Ban Nha 0-0 Thụy Điển (2h ngày 15-6)
EURO mở rộng lên 24 đội, trao cơ hội cho nhiều đội tuyển tham dự giải đấu và mang đến các bất ngờ thú vị. Ở EURO 2016, Xứ Wales lọt vào bán kết ngay trong lần đầu xuất hiện ở giải đấu. Năm nay, Phần Lan hay Bắc Macedonia đều ít nhiều để lại ấn tượng trong lần ra mắt giải.
Tuy nhiên, việc loại vỏn vẹ 8 đội sau vòng bảng cũng gây ra vấn đề lớn về chất lượng chiêu môn cho các trận đấu ở EURO. Tại vòng chung kết năm nay, nhiều cuộc đấu đã diễn ra dưới kỳ vọng, kém xa mong đợi của người hâm mộ vì các đội bóng quá thực dụng. Trận đấu giữa Tây Ban Nha và Thụy Điển là trường hợp mới nhất. Trong khi Tây Ban Nha tấn công đơn điệu, thiếu quyết tâm thì Thụy Điển lại phản công quá hời hợt.
Ở trận này, Tây Ban Nha sử dụng sơ đồ 4-3-3 quen thuộc với bộ ba tiền vệ Rodri, Koke và Pedri. Ở hàng thủ, Unai Simon tiếp tục được HLV Enrique tin dùng trong khi De Gea phải dự bị. Marcos Llorente đá hậu vệ phải, trong khi bộ đôi trung vệ là hai ngôi sao thuận chân trái Laporte và Pau Torres. Trên hàng công, Ferrran Torres và Olmo hỗ trợ cho Morata. Ở hướng ngược lại, Thụy Điển sử dụng sơ đồ 4-4-2 truyền thống với trục dọc khá nổi tiếng, bao gồm thủ môn Robin Olsen, trung vệ Lindelof, tiền vệ Emil Forsberg và tiền đạo Alexander Isak.
Với lực lượng nhỉnh hơn và hàng tiền vệ có khả năng cầm bóng tốt, Tây Ban Nha dễ dàng chiếm lĩnh thế trận. Trong khi đó, Thụy Điển cũng không tha thiết việc dâng cao đội hình tấn công. Thay vào đó, đội bóng Bắc Âu luôn ưu tiên phòng ngự tập trung, bảo vệ mảnh lưới ở sân nhà. Họ thậm chí không giấu ý đồ thủ hòa ngày từ những phút đầu tiên.
Đó chính là mặt trái của EURO. Việc có quá nhiều đội được đi tiếp khiến các đối thủ có chất lượng sàn sàn nhau lựa chọn phương án an toàn. Tây Ban Nha hiện tại vốn dĩ không vượt trội Thụy Điển. Cộng thêm sự chuẩn bị không tốt, La Roja có lý do để tấn công một cách.... thận trọng trước Thụy Điển. Ngược lại, Thụy Điển cũng không muốn mạo hiểm chịu đựng bất cứ đợt phản công nhanh nào từ đối thủ. Họ chấp nhận lùi sâu để giảm thiểu rủi ro.
Trận đấu tại Seville vì thế diễn ra với tốc độ khá chậm. Phút 16, Tây Ban Nha có cơ hội đầu tiên sau cú đánh đầu cận thành của Olmo, nhưng thủ môn Olsen vẫn kịp phản xạ cứu thua cho Thụy Điển. Phút 23, La Rojo có thêm một pha dứt điểm nguy hiểm từ Koke, nhưng bóng đi chệch xa khung thành của Olsen.
Những phút tiếp theo, Tây Ban Nha bế tắc trước hàng thủ đông người của Thụy Điển. Tuy nhiên, họ vẫn có thời cơ nhờ sai lầm của đối thủ. Phút 38, Morata có cơ hội đối mặt với Olsen sau khi hậu vệ áo vàng phá hụt bóng. Thế nhưng, tiền đạo này lại sút ra ngoài
Phút 41, đến lượt Isak có cơ hội vàng sau pha tấn công đơn giản của Thụy Điển. Tiền đạo đang chơi ở La Liga xử lý khéo léo trước khi dứt điểm từ góc hẹp đưa bóng đập cột dọc khung thành của Tây Ban Nha. Đây cũng là tình huống nguy hiểm duy nhất mà Thụy Điển có trong hiệp một, khoảng thời gian mà họ chỉ cầm bóng... 16%.
Bước sang hiệp hai, kịch bản cũ lặp lại. Thụy Điển thậm chí thực dụng hơn khi nhường luôn trái bóng cho Tây Ban Nha. Thống kê cho thấy Thụy Điển chỉ cầm bóng 13% trong 45 phút hiệp hai - con số nằm trong nhóm thấp nhất lịch sử EURO và cả World Cup.
Chiến thuật rõ ràng của Thụy Điển đẩy Tây Ban Nha vào khó khăn. Với hàng tiền vệ và đôi cánh thiếu sáng tạo, La Roja không cách nào xuyên thủng hàng thủ nhiều tầng của đối thủ. Giữa hiệp hai, HLV Enrique lần lượt tung Thiago, Pablo Sarabia, Mikel Oyarzabal và Gerard Moreno vào thay Rodri, Morata, Ferran Torres và Olmo. Tuy vậy, sự điều chỉnh này không mang lại kết quả.
Với hàng công mới toanh, số cơ hội mà Tây Ban Nha tạo ra cũng chỉ đến trên đầu ngón tay của một bàn tay, cực kỳ ít ỏi. Phải đến những phút cuối cùng, Tây Ban Nha mới tạo ra sức ép đáng kể và có cơ hội rõ ràng hơn. Phút 90, Pablo Sarabia tạt bóng đẹp mắt cho Moreno đánh đầu cận thành, nhưng bóng lại đi trúng vị trí của thủ môn Olsen.
Phút 90+3, đến lượt Pablo Sarabia có cơ hội sau pha thoát xuống tạt bóng của Alba bên cánh trái, nhưng tiền đạo nhỏ con này lại đỡ bóng quá tệ và để thủ môn Olsen bắt gọn bóng. Kết quả, tỉ số hòa 0-0 được giữ nguyên đến hết trận. Đây chính là điều mà Thụy Điển mong muốn, và họ đã đạt được cho dù chỉ cầm bóng... 15%.Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng không có gì phải buồn phiền khi khởi đầu vòng chung kết với 1 điểm.
(Theo bongdaso.com)
Link nội dung: https://song247.vn/ket-qua-cac-tran-dau-dien-ra-toi-ngay-14-rang-sang-ngay-15-6-tai-vck-euro-2020-a12470.html