Vất vả mưu sinh dưới nắng nóng giữa mùa Covid ở TP.HCM

Đã gần kết thúc 15 ngày giãn cách vì dịch Covid-19 tại TP.HCM, thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh mà nhiều lao động nghèo tại đây vẫn chưa "ở yên" trong nhà ngày nào. Ngược lại, họ còn phải tìm đủ mọi cách bươn chải, oằn mình dưới thời tiết nắng mưa thất thường để mưu sinh, lo cho cuộc sống hằng ngày.

Lượm thực phẩm bị loại về chế biến thức ăn

Khoảng 11h trưa 10/6, chúng tôi gặp một người phụ nữ ngồi ven đường TL29 (phường Thạnh Lộc, quận 12) tránh nắng nóng. Bên cạnh cô là chiếc xe đạp cũ kỹ và một bao tải lấm lem, trống rỗng.

Hỏi ra mới biết cô tên Phạm Thị Gái, làm nghề lượm ve chai và đang sống nhờ người dân ở gần khu vực này. Cô than thở, đi từ sáng tới giờ không nhặt được cái chai nào vì có quá nhiều người đi nhặt. Lúc trước chỉ người nghèo mới nhặt ve chai, bây giờ thì nhiều người đều đi lượm chai. 4 - 5 ngày mới gom bán được một lần, mỗi lần được khoảng ba bốn chục ngàn, đủ uống sữa đậu nành với ăn mì gói qua ngày.

nullCô Phạm Thị Gái đang ôm bịch thực phẩm được nhặt từ phế phẩm cửa hàng Bách Hoá Xanh phường Thạnh Lộc, quận 12. (Ảnh Mỹ Quỳnh)

Ngay sau đó, nhìn thấy nhân viên cửa hàng đưa đồ phế loại ra bỏ, cô nhanh chân bước vào nhặt. Ôm túi đồ rau củ lỉnh kỉnh trên tay, cô cười buồn nói: "Túng quá, mấy ngày gần đây ngày nào tôi cũng tới ATM gạo miễn phí của phường Thạnh Lộc để xin gạo về nấu ăn. Thức ăn thì tôi chờ trước cửa hàng này (Bách Hoá Xanh 3A đường TL29), cái nào mà còn dùng được là tôi lấy về, chế biến ăn tạm để cầm cự qua cơn dịch này...", cô Gái ngậm ngùi. 

Hơn 12h trưa cùng ngày, bên hông chợ đầu mối nông sản TP.Thủ Đức (TP.HCM) trời nắng như đổ lửa, chúng tôi bắt gặp cô Trần Thị Mười (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) đang ngồi giữa đống thùng xốp mà cô nhặt được trong buổi sáng. Đưa tay quệt những dòng mồ hôi trên trán, cô Mười cho biết, hôm nay cô may mắn gom được những thùng này. "Thùng xốp nhìn nhiều vậy nhưng nhẹ lắm, giá mua cũng rẻ, chỉ 2.000 đồng/kg. Cả đống chắc bán được mười mấy ngàn thôi. Vất vả mấy qua, ngày nào khá thì kiếm được khoảng 40-50 ngàn đồng, còn không thì cũng chỉ hơn 20 ngàn... ", cô Mười nói.

vv21-1623384410.jpgCô Trần Thị Mười đang xé ni lông trên các thùng xốp gom được để chuẩn bị mang bán. Hình chụp tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. (Ảnh Mỹ Quỳnh)

Theo lời cô Mười, trước đây khu vực này không quá nhiều người đi gom ve chai nên mỗi ngày cũng kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng. Từ khi dịch bùng phát, nhiều người bị thất nghiệp hoặc phải tạm nghỉ nên đổ ra ngoài tìm kế sinh nhai. Thế nên, giờ đâu đâu cũng thấy người nhặt ve chai, bán vé số.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số phường ở quận 12, quận Gò Vấp, TP.Thủ Đức... người đi nhặt và thu mua ve chai khá nhiều. Ra đường lúc này không khó bắt gặp những cỗ xe đạp chở cồng kềnh đủ loại giấy vụn, bìa carton, vỏ chai lọ… Trong đó, có nhiều người mới "nhập môn", chọn công việc này để làm tạm, kiếm cơm sống qua ngày trong đợt dịch Covid-19. 

vv3-1623384489.jpgTrên một con đường nhỏ tại phường Thạnh Lộc, quận 12, xuất hiện rất nhiều người đi nhặt và thu mua ve chai. (Ảnh Mỹ Quỳnh)

Vé số ế ẩm
Cầm xấp vé số còn khá dày trên tay, cô Hà (ngụ phường 13, quận Gò Vấp) cho biết, cô làm phụ quán ăn trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp. Vì dịch bệnh nên quán ăn tạm thời đóng cửa, không có việc làm, cô mua vé số đi bán để kiếm tiền trang trải qua ngày. "Bây giờ người ta bóp chặt chi tiêu, mỗi ngày đều đi khắp ngõ ngách mời người mua, nhưng cũng bán được mấy chục tờ. Nhưng hoàn cảnh chung, ai cũng khó khăn nên ráng cầm cự qua mùa dịch, ổn định rồi tính tiếp chứ biết sao bây giờ...", cô Hà buồn giọng.

Tương tự, bà Sáu Hoà (quận 12) cho biết, dù rất sợ dịch Covid-19 nhưng nghèo quá, không có tiền mua thuốc, mua gạo, trả nhà trọ... nên phải đi bán vé số. "Nếu có nhà cửa ở đây thì tôi sẽ trốn trong nhà để tránh dịch, ăn mắm ăn muối qua ngày cũng được. Nhưng cuộc sống khó khăn quá, phải chấp nhận ra đường mưu sinh để có tiền trang trải" - bà Sáu Hoà chia sẻ.

Cũng theo bà Sáu Hoà, ngày thường bà lấy 150 tờ vé số bán đến trưa là hết rồi về nghỉ ngơi. Dịch dã nên giờ bán ế, lấy có 100 tờ nhưng bán tới 7-8h tối mới hết.

vv4-1623385423.jpgBà Sáu Hoà cho rằng, nếu không phải lo cơm áo gạo tiền thì sẽ ở trong nhà để tránh dịch bệnh, nhưng nghèo quá nên phải ra đường kiếm tiền trang trải. (Ảnh Mỹ Quỳnh)

Một vài hình ảnh người lao động mưu sinh trong mùa dịch Covid-19:

vv5-1623385423.jpgTrong ảnh, cô Phương (ngụ TP.Thủ Đức) đang gom các bìa carton để chuẩn bị mang bán. Cô rất vui vì hôm nay "được mùa", nhặt được khá nhiều. (Ảnh Mỹ Quỳnh)
vv6-1623385423.jpg"Phải bán hết chỗ cam này rồi mới về nghỉ được, sáng tới giờ mới gỡ được vốn thôi chứ chưa có lời" - chị Minh, một công nhân đang tạm nghỉ vì dịch tranh thủ mưu sinh bằng cách đi bán trái cây dạo. (Ảnh Mỹ Quỳnh)
vv7-1623385423.jpgGiấc ngủ trưa sau một buổi đi khắp phố phường nhặt ve chai của bà Tư - một người vô gia cư sống trên các con đường ở quận Gò Vấp. (Ảnh Mỹ Quỳnh)

vv8

vv8-1623385423.jpgChú Trần Thanh Dũng (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, dù chính quyền khuyên nên ở trong nhà chờ qua đợt dịch, nhưng vì cuộc sống mưu sinh phải ra đường buôn bán. "Không đi bán, lấy đâu tiền trả phòng trọ, lấy đâu tiền ăn. Phải chi mà có cơm ăn ngày 3 bữa thì tôi ở nhà liền" - chú Dũng nói. (Ảnh Mỹ Quỳnh)
vv9-1623385423.jpgAnh Tiến, một tài xế công nghệ đang tranh thủ ăn bữa trưa trước nhà người dân đóng cửa.Anh cho biết, thời điểm này người dân ít đi lại nên mỗi ngày chỉ chạy được 1-2 cuốc xe. "Ở nhà cũng không làm gì ra tiền, thôi thì cứ ra đường bám trụ, được đồng nào hay đồng ấy"- anh Tiến cho biết. (Ảnh Mỹ Quỳnh)

 

Link nội dung: https://song247.vn/vat-va-muu-sinh-duoi-nang-nong-giua-mua-covid-o-tphcm-a12088.html